Xưởng sơ chế dây chuối ở U Minh Thượng

17/09/2023 | 19:05

Từ thân chuối thường bị bỏ đi, HTX Kênh 10 sơ chế dây, tơ chuối dùng dệt vải, đồ thủ công mỹ nghệ còn phần nước được tận dụng ủ phân hữu cơ.

Huyện U Minh Thượng được mệnh danh là "vương quốc chuối" của tỉnh Kiên Giang với diện tích 3.500 ha, tập trung ở vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng. Trước đây, nông dân bán buồng, bắp, riêng thân chuối thường bỏ đi.

Đầu năm nay, HTX Kênh 10 quyết định đầu tư nửa tỷ đồng để sắm hệ thống máy móc sơ chế thân chuối, gồm: máy chẻ, tách sợi, ép bã và máy "3 trong một" - kéo tơ thủ công và máy ép bẹ. Ngoài ra, HTX cũng đầu tư nhà kính phơi chuối rộng 200 m2 để chủ động sản xuất.

Với 13 lao động phụ trách các khâu thu mua, vận chuyển, sơ chế, mỗi tháng HTX ước tính sản xuất hai tấn dây chuối hoặc một tấn tơ chuối. Doanh thu 60-120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, HTX lãi 30-60 triệu đồng, chưa tính phụ phẩm phân hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Ngoan, 54 tuổi, tham gia xưởng sản xuất được nửa năm nay với mức lương 6 triệu đồng mỗi tháng. Theo bà, hiện cây chuối không bỏ bộ phận nào từ trái, bắp, thân, lá. "Mừng cho người dân quê mình có công việc ổn định và người trồng chuối cũng có thu nhập nhiều hơn", bà nói.

Thân chuối thu mua từ vườn của nông dân với giá 1.000-2.000 đồng mỗi cây, vận chuyển về xưởng sơ chế bằng ghe lớn. Thân chuối nặng 10-15 kg được máy chẻ nhiều lần để mỗi bẹ trước khi ép to bằng bàn tay.

Trung bình 100 kg chuối làm ra được một kg tơ chuối hoặc 10 kg dây chuối, 50 kg bã, 3-4 lít nước. Bã chuối và nước dùng ủ phân hữu cơ do giàu kali.

Tơ chuối được sản xuất từ phần non của thân cây, trong khi dây chuối làm từ phần già ở ngoài cùng. Chuối cắt vừa kích cỡ đưa qua các loại máy móc chuyên dụng.

Bẹ non sau khi tách sợi, đưa qua công đoạn kéo tơ. Dù có máy móc, song kéo tơ bằng tay vẫn ưu thế hơn khi ít đứt chỉ và giảm hao hụt.

Tơ chuối có thể dùng dệt vải, đồ thủ công mỹ nghệ. Đây cũng là sản phẩm có giá trị nhất của thân chuối.

Mỗi kg tơ chuối được bán với giá 120.000 đồng. Tơ phơi qua hai nắng có thể đưa vào kho dự trữ

Dây chuối giá 30.000 đồng một kg, cần phải phơi qua 3-4 nắng, hao hụt 30-40% tuỳ nguyên liệu đầu vào. Phần dây thừa, xưởng tận dụng để dạy nghề và làm đồ mỹ nghệ

Bã chuối sau khi ép lấy nước được phơi khô dùng ủ phân hữu cơ. Anh Minh Quân, thợ làm ở xưởng cho biết sau thời gian học tập kinh nghiệm, HTX đã nắm được công thức ủ phân hữu cơ và đang thử nghiệm, thị trường khá triển vọng vì chuối giàu kali. Tỷ lệ bã chiếm 50% khối lượng đầu vào.

Nón làm từ dây chuối. Bà Trần Thị Vỹ, Giám đốc HTX, cho biết bẹ chuối khô có độ dẻo dai, linh hoạt trong tạo hình sản phẩm mỹ nghệ.

"Đồ mỹ nghệ từ thân chuối rất thiện môi trường. Dự kiến, năm 2024 HTX sẽ nâng quy mô lên gấp đôi với mong muốn tạo thêm việc làm, đầu ra cho người trồng chuối", bà nói.

Ngọc Tài